online marketing Kinh doanh cà phê cũng phải trả tiền tác quyền nhạc ~ CAFE QUÁN

20.12.11

Kinh doanh cà phê cũng phải trả tiền tác quyền nhạc

Các hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn thị xã Bà Rịa nhận được nhiều văn bản từ trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN cùng danh sách 90 bài hát, rồi bảo các hộ kinh doanh ký và nộp tiền.
Bạn đọc Huỳnh Xuân Vũ, quản lý quán cà phê Hướng Dương, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa gửi thư đến báo Sài Gòn Tiếp Thị phản ánh: đầu tháng 11.2011, trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – chi nhánh phía Nam phối hợp với ngành văn hoá thị xã Bà Rịa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mời các hộ kinh doanh càphê đến họp để nghe triển khai nội dung về bản quyền tác giả âm nhạc, sau đó lấy danh sách tên tuổi, địa chỉ của các hộ kinh doanh.
Đến ngày 7.12, các hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn thị xã Bà Rịa được nhận các văn bản gồm có: giấy chứng nhận của trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương ký cùng ngày, bản hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc (lĩnh vực cà phê), bảng tính giá trị hợp đồng, phiếu thu tiền, cùng danh sách tên 90 bài hát trong và ngoài nước được in sẵn rồi bảo các hộ kinh doanh ký vào và nộp tiền.
Theo các hộ kinh doanh cà phê, những bài hát trong danh sách này, quán không sử dụng sao phải trả tiền? Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có chức năng ra quyền thu tiền sử dụng băng đĩa ở các quán kinh doanh cà phê không? Bởi lẽ, khi sản xuất và tiêu thụ băng đĩa, các nhà sản xuất đã trả tiền bản quyền tác phẩm, ca sĩ và các chi phí khác để xuất thành một sản phẩm bán ra thị trường. Người sử dụng đã bỏ tiền ra để mua sản phẩm này sử dụng, và các sản phẩm này chỉ mang tính chất phục vụ giải trí chứ không tham gia vào yếu tố mang lại lợi nhuận như các quán cà phê nhạc sống trực tiếp sử dụng tác phẩm.
Luật sư Lê Quang Vy, công ty luật Việt Thăng Long, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ tranh chấp tác quyền âm nhạc cho biết: lập luận của người mua đĩa tức là đã trả tiền tác quyền là không đúng. Người sử dụng chỉ không trả tiền khi nghe đĩa nhạc đó trong xe cá nhân, nghe ở nhà… còn khi dùng để kinh doanh cà phê thì phải trả tiền tác quyền.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có chức năng và thẩm quyền để thu phí tác quyền vì đã được các nhạc sĩ uỷ thác. Việt Nam đã gia nhập hiệp hội Các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC) nên các ca khúc nước ngoài được quán phát cho khách nghe cũng phải trả thêm tiền tác quyền. Trung tâm thu tiền hộ cho hiệp hội. Ngược lại, nếu nhạc Việt được hát ở nước ngoài, hiệp hội này cũng thu tiền giúp chúng ta.
Chủ quán sẽ không phải trả tiền khi sử dụng các tác phẩm đã trở thành tài sản của nhân loại như nhạc cổ điển. “Thường thì nghĩa vụ của người sử dụng là phải cung cấp danh sách các tác phẩm mình dùng để trung tâm có cơ sở tính tiền. Tôi không rõ vì sao có danh sách 90 ca khúc của trung tâm gửi về quán càphê, nhưng nguyên tắc chung là không sử dụng thì không phải trả tiền”, luật sư Lê Quang Vy nói.
Theo Thanh Nhã
SGTT

0 nhận xét:

Post a Comment

:) :( :)) :(( =))